Đừng để niềm tin rơi vào tuyệt vọng

Chứng kiến những đồng nghiệp của mình ngày đêm tận tụy với công việc chăm sóc bệnh nhân nhưng đáp lại đó là những hành vi bạo lực và luồng thông tin sai lệch khiến cho niềm tin của những người làm ngành y đang bị tổn hại nghiêm trọng.

Chưa bao giờ chúng ta phải chứng kiến nhiều đến như vậy những vụ bạo lực liên tiếp đối với y bác sĩ tràn lan trên mặt báo, trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và cũng chưa bao giờ chúng ta phải thấy vấn đề đạo đức đang xuống cấp trầm trọng như hiện nay, khi con người đáp trả lại sự giúp đỡ, chăm sóc tận tình bằng những đòn thù và lời lẽ mạt sát một cách trực tiếp hay gián tiếp trên diễn đàn internet.

Hôm nay, tiếp tục là sự việc bạo hành diễn ra tại Khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn khi bố của bệnh nhi đã giáng tay liên tiếp vào đầu và mặt của bác sĩ. Người bác sĩ ấy chỉ còn biết ngồi im hứng chịu sự hành hung chứ tuyệt đối không phản kháng. Sau diễn biến vụ việc, Bác sĩ VHC – người bị hành hung vẫn khẳng định mạnh mẽ: “Dù bác sĩ có bị chèn ép sao nữa thì họ vẫn phục vụ những người đánh họ” và anh đã khóc.

Một lần nữa, toàn ngành Y nói riêng và cộng đồng nói chung phải rung lên hồi chuông cảnh báo đối với vấn nạn hành hung y bác sĩ. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành vẫn diễn ra liên tiếp và ngày càng phức tạp, tinh vi hơn. Ngay trong vụ việc Xanh Pôn vừa qua, người nhà còn có hành vi tạo hiện trường giả nhằm vu cáo bác sĩ “tiêu cực” nên để xảy ra vụ việc. Nếu bệnh viện không có camera giám sát ngày hôm đó thì không biết sự việc sẽ còn đi đến đâu, và ngoài những tổn thương về thể xác, tinh thần của người bác sĩ còn phải chịu đựng những gì.

Mặc dù gần dây, Bộ Y tế đã đề ra hàng loạt giải pháp nhằm đảm bảo an ninh bệnh viện, ngăn chặn triệt để tình trạng hành hung cán bộ y tế như bổ sung Luật Khám chữa bệnh phần trách nhiệm của người bệnh, người dân đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Bổ sung Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ.Theo khoản 3, Điều 35 Luật Khám chữa bệnh hiện hành, khi có dấu hiệu nguy hiểm đến bản thân, bác sĩ có quyền tự bảo vệ mình bằng cách từ chối khám, chữa bệnh. Các cơ sở y tế cần tiếp tục xây dựng đội ngũ bảo vệ an ninh bệnh viện chuyên nghiệp, có sự phối hợp với cơ quan công an trên địa bàn để có sự phối hợp can thiệp kịp thời với những đối tượng quá khích, thóa mạ, hành hung đội ngũ nhân viên y tế.

Hay điều 26 Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng quy định rõ: Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ. Luật cũng nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người thầy thuốc và nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ.

Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một chế tài nào xử phạt thích đáng cho hành vi này nhằm răn đe cũng như hướng dẫn cụ thể về cách xử lý cho y bác sĩ khi gặp phải những trường hợp bạo hành như trên.

Thiết nghĩ, ngay lúc này công tác đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế trong quá trình làm việc cần phải được ưu tiên hàng đầu. Các cấp bộ, ngành, các đoàn thể quần chúng phải dành sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tăng cường tuyên truyền cho người dân biết các vấn đề về y khoa, để người dân có thể hiểu được những khó khăn mà ngành y thường phải đối mặt. Mặt khác, đẩy mạnh công tác giữ gìn trật tự an ninh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và có chế tài đủ mạnh để sử lý nghiêm những người bất chấp pháp luật hành hung nhân viên y tế để những cán bộ y tế yên tâm, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh.

Sẽ rất khó để người thầy thuốc tiếp tục cống hiến sức mình nếu như chúng ta tiếp tục thờ ơ, không lên tiếng và sẽ rất khó để đảm bảo việc bạo hành sẽ không tiếp tục tiếp diễn nếu như mỗi chúng ta không nhận thức được đúng sai và bảo vệ lẽ phải.

Việt Nga

 

Các tin cùng chủ đề