Từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022 đã phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện, số mắc có xu hướng tăng từ tháng 8 năm 2022 đến nay. Đã ghi nhận 06 trường hợp tử vong.
Rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno
Trước thực tiễn số trẻ mắc virus Adeno gia tăng, ngày 21/9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng chống bệnh do virus Adeno.
Trước đó, theo thông tin của Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022 đã phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno, trong đó 76% (324 trường hợp) có chỉ định nhập viện, số mắc có xu hướng tăng từ tháng 8 năm 2022 đến nay. Đã ghi nhận 06 trường hợp tử vong.
Để chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, các ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để các ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo; hướng dẫn người chăm sóc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng đó tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do virus Adeno trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nguy cơ, trong đó tập trung vào các nội dung khuyến cáo phòng chống lây nhiễm (thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh…).
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kịp thời báo cáo và đề xuất các giải pháp phòng chống.
Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Cục Y tế dự phòng đề nghị tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh của các địa phương khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch bệnh, kịp thời tham mưu cho Bộ Y tế các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, hiệu quả với từng địa phương trong khu vực phụ trách;
Tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Virus Adeno lây truyền thế nào? Phòng bệnh ra sao?
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây cho biết, từ tháng 8/2022 đến nay, số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương gia tăng đột biến.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô Hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, Adeno virus chia làm 7 nhóm từ A-G trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Các tổn thương thường gặp nhất do mắc virus Adeno là viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm kết mạc mắt (đau mắt đỏ), các bệnh lý ở đường tiêu hóa (tiêu chảy, nôn, buồn nôn,…), viêm bàng quang, viêm não, màng não,… Bệnh do virus Adeno gây ra xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt phát triển mạnh vào thời điểm giao mùa xuân – hè hoặc thu – đông.
Virus Adeno lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi người lành sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8-12 ngày.
Virus Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi (trẻ em hay gặp ở độ tuổi từ 6 tháng – 5 tuổi). Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Trẻ nhiễm virus Adeno thường có các biểu hiện như: Sốt cao, ho, khò khè, có thể kèm theo viêm kết mạc mắt và rối loạn tiêu hoá. Với trẻ có biểu hiện nặng thì xuất hiện tình trạng khó thở.
Để phòng bệnh lý hô hấp nói chung và viêm phổi do Adeno nói riêng, các chuyên gia cho rằng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ. Trẻ có sức đề kháng tốt sẽ chống được việc nhiễm virus đường hô hấp cũng như các virus khác.
“Ít nhất 6 tháng đầu nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ và nên cho bú kéo dài đến 2 tuổi“- PGS.TS Hồng Hanh lưu ý.
Vào tuổi ăn dặm, trẻ cần ăn chế độ dinh dưỡng hợp lý theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Phụ huynh cũng phải lưu ý vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên bằng cách nhỏ mũi với nước muối sinh lý hàng ngày. Phụ huynh tránh để trẻ nhiễm lạnh và đừng để trẻ chơi, vã nhiều mồ hôi gây ra nhiễm lạnh.
“Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo phụ huynh cũng như trẻ cần rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, trẻ cũng cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine để phòng các bệnh lý hô hấp khác“- PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh nói.
Cùng đó, người chăm sóc cần tránh để trẻ tiếp xúc nguồn lây bệnh. Khi trẻ sốt nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc mệt, ho, gia đình cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám kịp thời.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/