Không có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế, không chích ngừa, chích nhắc là thực trạng đa số bệnh nhân mắc uốn ván đối mặt trước khi bị nhiễm bệnh. Chi phí điều trị cao trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ trở thành gánh nặng cho cả gia đình bệnh nhân và xã hội.
Nguy kịch vì không được chích ngừa
Mặc dù chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2016 – 2018 công bố đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh trong cộng đồng nhờ hoạt động chủng ngừa cho phụ nữ có thai, trẻ em trên toàn quốc. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp phụ nữ ở vùng sâu vùng xa trong độ tuổi sinh sản không được chích ngừa khiến trẻ sinh ra bị nhiễm uốn ván.
Bé trai mới chào đời đã nhiễm bệnh uốn ván vì mẹ không được chích ngừa
Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM đã tiếp nhận điều trị tích cực hơn 1 tháng mới cứu được sinh mạng của bé sơ sinh con bà Thị Đ. ngụ tại Bình Phước mắc uốn ván. Theo khai thác bệnh sử từ phía gia đình ghi nhận, cha mẹ cháu sống ở khu vực biên giới huyện Lộc Ninh, Bình Phước với nước bạn Campuchia. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế nên người mẹ không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế. Khi mang thai, chị không đi khám cũng không chích ngừa.
Ngày chuyển dạ sinh nở, người mẹ được bà mụ đỡ đẻ tại nhà rồi dùng dao lam cắt rốn cho đứa trẻ. Cháu bé phải nhập viện cấp cứu ngày thứ 5 sau khi chào đời với các biểu hiện bỏ bú, sốt, cứng hàm, co gồng toàn thân. Sau hơn 1 tháng phải thở máy, điều trị tích cực các bác sĩ mới giúp bé qua được nguy kịch. Đây chỉ là trường hợp điển hình trong số nhiều trẻ bị uốn ván sơ sinh điều trị tại Nhiệt Đới mỗi năm.
Bên cạnh đó, uốn ván ở người lớn ngày càng nhiều, tại khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc Người lớn hầu hết số ca bệnh nặng đều là nạn nhân của uốn ván phải điều trị tích cực, thở máy. Trung bình mỗi ngày tại bệnh viện đang phải điều trị cho khoảng 20 ca uốn ván, số bệnh đông gây không ít áp lực trong việc chăm sóc y tế.
Người bệnh uốn ván thể nặng phải lọc máu, thở máy, điều trị kéo dài
Đau đớn nhìn chồng trên giường bệnh, chị N.T.P. (43 tuổi) cho biết, chồng chị là bệnh nhân H.M.K. (46 tuổi) làm nghề thợ hồ. Anh đang là lao động chính để nuổi 5 miệng ăn trong gia đình, thì bất ngờ đổ bệnh sau khi dẫm phải cây đinh ở công trình xây dựng. “Chồng tôi cứng miệng, nuốt khó, co gồng toàn thân… vào viện thì bác sĩ nói bị uốn ván, điều trị 2 tuần nhưng còn gồng giật, phải thở máy. Từ khi cưới nhau đến nay, hoàn cảnh kinh tế khó khăn vợ chồng kiếm đủ cho các con ăn học còn khó nên anh chưa được chích ngừa uốn ván”.
Bệnh nguy hiểm, cứu chữa tốn kém
Theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới: “Uốn ván (hay còn gọi phong đòn gánh) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván (tên khoa học là Clostridium tetani) gây ra. Nha bào uốn ván ngoài môi trường thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn”.
“Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật trong những điều kiện không vệ sinh (đặc biệt là nạo phá thai lậu). Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván sơ sinh do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc không được chăm sóc rốn đúng cách. Bệnh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà do “bà đỡ vườn” theo phong tục tập quán còn lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa”.
Chi phí điều trị uốn ván có thể tốn tới hàng trăm triệu đồng ở những người lớn tuổi, có bệnh lý đi kèm
Uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi, và mọi thành phần từ người lao động bình dân, có thu nhập thấp đến tầng lớp trí thức, khá giả nếu chưa được tiêm ngừa đầy đủ, không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương.
Bệnh có thể diễn tiến nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở phải điều trị tích cực bằng thở máy, lọc máu, an thần, giãn cơ… Những biến chứng “rối loạn thần kinh thực vật”, huyết áp (lúc tăng cao, lúc hạ thấp), nhiệt độ cơ thể (có thể tăng cao liên tục 40 – 410C) nguy cơ khiến bệnh nhân tử vong.
Theo thống kê tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chi phí điều trị trung bình cho một ca uốn ván nhẹ chưa phải thở máy tốn khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Bệnh nhân phải thở máy chi phí điều trị từ 50 đến 100 triệu đồng, thời gian điều trị kéo dài 15 đến 30 ngày.
Trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền phối hợp có thể tiêu tốn trên 200 triệu đồng. Hầu hết bệnh nhân bị uốn ván đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chi phí điều trị trở thành gánh nặng với gia đình.
Phòng bệnh rất đơn giản
Theo TS.BS Vĩnh Châu: “Uốn ván tuy rất nguy hiểm, gây thách thức trong điều trị, nhưng bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ. Cộng đồng cần tiêm ngừa chủ động 3 mũi vắc xin uốn ván trước khi bị vết thương (lưu ý mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng).
Chích ngừa là giải pháp rẻ tiền, hiệu quả để phòng bệnh uốn ván
Sau tiêm ngừa phải chủ động chích nhắc lại mỗi 5 – 10 năm một lần để tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván. Chi phí cho 1 mũi vắc xin uốn ván giao động từ 150.000 đồng đến 350.000 đồng (tùy cơ sở y tế, dịch vụ, loại vắc xin).
Phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con. Đối với trường hợp không được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh.
Tuyệt đối không tự xử lý vết thương tại nhà theo các phương pháp thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh. Chăm sóc vết thương không đúng cách có thể là nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván.
Nguồn: https://dantri.com.vn