Đó là chủ đề của Ngày chống Lao Thế giới 2018 với mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về các hậu quả do Lao gây ra tác động đến với đời sống, kinh tế, sức khỏe toàn dân.
Thông tin về bệnh lao trên thế giới
Ngày 24 tháng 03 năm 1882, nhà bác học người Đức Robert Kock là người đầu tiên công bố tìm ra nguyên nhân gây bệnh lao – một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, đó là trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) khi xét nghiệm đờm của người mắc bệnh lao phổi.
Bệnh lao là một trong những bệnh nhiễm trùng mạn tính xuất hiện sớm nhất ở loài người. Vào đầu thế kỷ 18, bệnh lao đã hoành hành ở Châu Âu, Châu Mỹ và trở thành bệnh dịch nguy hiểm gây chết nhiều người nhất, cứ 07 người thì có 01 bệnh lao. Từ năm 1882 đến nay đã có hơn 200 triệu người chết vì bệnh lao.
Theo thống kê, năm 2016, có 10.4 triệu người mắc bệnh lao và 1.7 triệu người chết vì bệnh (trong đó có 0.4 triệu người nhiễm HIV). Hơn 95% số ca tử vong do bệnh lao xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. 7 quốc gia chiếm 64% tổng số, trong đó Ấn Độ đứng đầu về số lượng nhiễm bệnh lao, tiếp đó là Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Pakistan, Nigeria và Nam Phi.
Năm 2016, khoảng 1 triệu trẻ em bị bệnh lao và 250 000 trẻ em bị chết vì lao (bao gồm cả trẻ có HIV). Lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với người có HIV dương tính: vào năm 2016, 40% số ca tử vong do HIV do lao. Lao kháng đa thuốc (MDR-TB) vẫn là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng và mối đe dọa về an ninh sức khỏe. WHO ước tính có 600 000 trường hợp mới có khả năng đề kháng với rifampicin, trong đó có 490 000 trường hợp bị MDR-TB. Trên toàn cầu, tỷ lệ TB đang giảm khoảng 2% mỗi năm. Cần đẩy nhanh sự suy giảm hàng năm 4-5% hàng năm để đạt được các cột mốc 2020 của Chiến lược Phòng chống Lao. Kết thúc dịch bệnh lao vào năm 2030 là một trong các mục tiêu y tế của Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Từ năm 1998, Ngày Chống lao thế giới – 24/03 được xem là ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc và đã trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Nhưng Ngày Chống lao thế giới không phải là ngày lễ ăn mừng, bởi lẽ, kẻ giết người mạnh nhất trong lịch sử nhân loại là bệnh lao vẫn còn đang hoành hành cho dù các biện pháp chẩn đoán và điều trị hữu hiệu đã có.
Việt Nam cam kết hành động loại trừ bệnh Lao
Từ những năm 60 của thế kỷ 20, với sự ra đời của các thuốc chống lao và vắcxin phòng bệnh lao đồng thời với sự phát triển kinh tế xã hội, bệnh lao dường như đã bị thanh toán ở các nước Châu Âu, Bắc Mỹ giàu có. Tuy nhiên bệnh lao lại có cơ hội phát triển nhanh hơn ở các nước nghèo, lạc hậu do sự xuất hiện của đại dịch HIV/AIDS, chiến tranh sắc tộc, thiên tai và nghèo đói, sự bùng nổ dân số và di dân tự do. Việt Nam đứng hàng thứ 15 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới.
Trước một thực tế bệnh lao còn phổ biến ở nước ta, năm 1995, Bộ Y tế đã đưa chương trình chống lao là một trong những chương trình y tế mục tiêu. Qua nhiều năm hoạt động, Chương trình chiến lược quốc gia đã xây dựng được mạng lưới chống lao trong toàn quốc lồng ghép tốt trong mạng lưới y tế cơ sở. Chương trình chống lao đã đạt được một số kết quả được Bộ Y tế đánh giá cao, được WHO ghi nhận về số bệnh nhân lao phát hiện được hàng năm và tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình phòng chống lao Quốc gia, hàng năm nước ta có thêm khoảng 130 nghìn bệnh nhân lao mới mắc. Trong đó, 7.000 người nhiễm lao đồng thời với nhiễm HIV, hơn 5.000 trường hợp trong số đó được xác định nhiễm lao kháng đa thuốc, 6% trong số đó là nhiễm lao siêu kháng thuốc, gây tử vong cho khoảng 13-16.000 người/ năm. Vấn đề lớn nhất là việc điều trị không liên tục, tự ý bỏ điều trị không theo phác đồ chuẩn. Hầu hết các bệnh nhân ở Việt Nam không đến ngay cơ sở y tế, mà toàn ra nhà thuốc nhờ mua thuốc uống lung tung, hậu quả là bệnh thì không khỏi, lây nhiễm ra cộng đồng, đến lúc bệnh nặng thì mới vào bệnh viện, lúc đó thì biến chứng nhiều, điều trị khó và đủ các hệ lụy khác như kháng đa thuốc và cả siêu kháng thuốc, cực kỳ nguy hiểm đến cộng đồng. Trong năm 2017 ngân sách ước tính dành cho phòng chống lao khoảng 70 triệu USD, trong đó 8% vốn trong nước, 28% từ nước ngoài, còn lại 63% vẫn chưa được hỗ trợ .
Ngày Thế giới chống lao 24/3 năm nay với chủ “các nhà lãnh đạo hãy chung tay hành động vì một thế giới không còn bệnh lao” là dịp để truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao cùng như để chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng chống lao trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu.
Việt Nga