Gần đây, liên tục xảy ra các trận hỏa hoạn và tai nạn lao động thương tâm dẫn đến tình trạng nạn nhân bị bỏng toàn thân, hoặc bị thương nhẹ. Vậy, khi gặp những tai nạn liên quan đến bỏng, chúng ta cần biết phân biệt các dạng bỏng và cách sơ cứu ra sao để vết thương nhanh chóng hồi phục?
Các dạng bỏng thường gặp
Bỏng là tình trạng tổn thương da phổ biến, là một trong những tai nạn chúng ta thường gặp hàng ngày. Có rất nhiều nguyên nhân gây bỏng (hóa chất, khí gas, các tác động của nhiệt, điện,…) tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên da gây ra những mức độ bỏng khác nhau. Bỏng có thể làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, để lại những vết sẹo “xấu xí”, nghiêm trọng hơn có thể gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời cho nạn nhân… Mức độ tổn thương của bỏng nặng hay nhẹ phụ thuộc vào việc xử trí ban đầu Sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ giúp bệnh nhân tránh hay giảm được tối thiểu biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Có ba cấp độ bỏng.Thường thì vết bỏng mức độ 1 sẽ lành trong 3-6 ngày. Bỏng mức độ 2 sẽ lành trong vòng 3 tuần. Mức độ 3 thì cần thời gian rất dài để điều trị mới có thể lành vết thương. Các bác sĩ tư vấn, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế khi vết bỏng mức độ 1 có độ rộng hơn 6 – 10 cm hoặc vết bỏng trên vùng mặt, hoặc những vị trí khớp quan trọng như vai hay đầu gối, bàn tay, bàn chân, phần kín…. Vết bỏng mức độ 3 thì cần được cấp cứu y khoa ngay lập tức.
Ở cấp độ 1: Bỏng bề mặt, ta có thể nhận thấy rõ ràng sự bỏng rát giống như bị cháy nắng trên bề mặt da, nhưng vì đây là cấp độ bỏng nhẹ nhất nên đa số vết thương sẽ lành lại sau vài ngày và thường không để lại sẹo.
Ở cấp độ 2: Bỏng 1 phần da thì lớp biểu bì và 1 phần lớp chân bì bị tổn thương sâu hơn, khiến các túi nước phồng được hình thành. Nếu túi nước này bị vỡ, nó sẽ gây ra đau rát cho vùng da bị thương. Vết bỏng sẽ lành lại và không để lại sẹo sau 1-4 tuần nếu không bị nhiễm trùng. Ngược lại, nếu vết bỏng bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, lớp da dưới bị phá hủy sẽ làm cho vết bỏng nặng hơn và chuyển thành bỏng cấp độ 3.
Đối với Cấp độ 3: bỏng nghiêm trọng. Toàn bộ lớp da biểu bì đều bị tổn thương, các vết bỏng thay vì có màu đỏ sẽ chuyển sang tái nhợt hoặc xám đen khô cứng. Ở cấp độ bỏng này nếu không có các bước sơ cấp cứu kịp thời hoặc đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất thì không thể tránh khỏi tổn thương nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
Các phương pháp sơ cứu khi bị bỏng:
Khi bị bỏng, trước hết, cần đưa nạn nhân ra khỏi nguồn gây bỏng. Ngay lập tức ngâm chỗ bỏng vào nước mát hoặc dùng vòi nước đang chảy xả vào chỗ bỏng để làm giảm nhiệt độ bề mặt của da, giảm độ sâu của bỏng, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân. Nên ngâm càng sớm càng tốt và ngâm khoảng 15-20 phút. Nếu vết bỏng không thể ngâm, dùng miếng gạc thấm nước lạnh đắp lên vết bỏng. Có thể lặp lại sau vài giờ để giảm đau rát rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Một số các phương pháp chữa trị bỏng hiệu quả đã được kiểm chứng: đắp lòng trắng trứng sau khi ngâm bằng nước mát, sạch. Lòng trắng trứng có tác dụng giảm đau rát và hạn chế da bị phồng rộp. Mỗi ngày nên làm ít nhất 4 lần.
Nhiều người sai lầm khi ngâm vết bỏng vào nước lạnh điều này sẽ khiến thân nhiệt hạ, dẫn đến cảm lạnh, gây co cơ, bác sĩ vừa phải tiến hành cấp cứu chữa cảm lạnh vừa phải tiến hành cấp cứu bỏng, việc điều trị càng phức tạp hơn. Nhiều trường hợp bỏng nặng không cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Đây là sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải khi sơ cứu vết bỏng. Bên cạnh đó, một số mẹo như thoa bơ, kem đánh răng hay dầu lên vết bỏng ở các vết bỏng mức độ 2 trở lên cũng là một trong những phương pháp không đúng.
Tuyệt đối không chọc vỡ, sờ mó hay bóc bỏ vòm các bọng nước vì làm như vậy thì mức độ nhiễm trùng càng tăng cao.
Sơ cứu khi bị bỏng không khó tuy nhiên nếu sơ cứu không đúng cách sẽ làm cho vết bỏng trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của nạn nhân. Do vậy, cần trang bị những kiến thức về cách sơ cứu bệnh nhân khi bị bỏng hiệu quả để có cách xử trí hợp lí và đúng đắn.
Việt Nga