Cần nắm vững cách xử trí sốc phản vệ trong điều trị

Hiện nay, đối với nhiều bệnh viện và cơ sở y tế, việc nâng cao năng lực trong công tác xử lý sốc phản vệ rất được quan tâm và chú trọng bởi sốc phản vệ là một trong những tai biến thường gặp và có thể gây biến chứng nguy hiểm và thậm chí là tử vong.

Theo thống kê, tỷ lệ mắc sốc phản vệ châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân, ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên và được báo chí đề cập trong nhiều năm trở lại đây diễn ra nhiều tại các cơ sở thẩm mỹ. Như  trường hợp vụ hai bệnh nhân tử vong vì sốc phản vệ với thuốc gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức hay nghiêm trọng hơn là 18 bệnh nhân sốc phản vệ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi đang chạy thận dẫn đến 7 người tử vong đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho ngành Y tế nước nhà.

Sốc phản vệ không phải là một tai biến khó chữa xong nó vẫn thường gây hoang mang cho cả bệnh nhân và y bác sĩ trong quá trình điều trị do diễn biến của bệnh xảy ra nhanh chóng (khoảng 30 phút), hoặc ngay lập tức khi bệnh nhân tiếp xúc với những vật, thức ăn gây dị ứng hoặc tiêm thuốc…

Lúc này, y bác sĩ phải là người tìm ra nguyên nhân và phát hiện kịp thời bệnh nhân bị sốc phản vệ thông qua một số biểu hiện lâm sàng xuất hiện sớm như: ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, khó thở, nổi mề đay, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng.

Bên cạnh đó, một số biểu hiện sốc phản vệ khác xuất hiện muộn hơn tại các cơ quan thần kinh, nội tạng như co giật toàn thân, có thể ngất xỉu hoặc hôn mê, đau bụng dữ dội, nôn, ỉa chảy,… và chỉ vài phút sau bệnh có diễn biến nặng như hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch huyết áp không đo được và có thể tử vong sau vài phút.

Cách thức xử trí đối với sốc phản vệ nhanh chóng nhất là sử dụng adrenaline. Về cơ chế, adrenaline tác động trên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của sốc phản vệ, ví dụ như thuốc có tác dụng co mạch (giúp tăng huyết áp, giảm phù nề, ban đỏ), giãn cơ trơn phế quản, tăng sức co bóp cơ tim,…

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng adrenaline trong điều trị sốc phản vệ càng sớm thì hiệu quả càng cao, hầu hết các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ thất bại là do chậm dùng adrenaline.

Bên cạnh đó, còn có nhiều phương pháp chăm sóc bệnh nhân sốc phản vệ khác như: Theo dõi huyết áp liên tục 10-15 phút/lần, thở ô xy, Đặt ống nội khí quản, thông khí nhân tạo,… là những kỹ thuật hết sức cần thiết để hỗ trợ công tác này cũng cần được lưu tâm chú ý.

Những năm trở lại đây, khi trường hợp sốc phản vệ dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra ngày càng nhiều ở nhiều đối tượng bệnh nhân, trẻ em, người già,… đã tác động không nhỏ đến uy tín và tâm lý của đội ngũ y bác sĩ, các bệnh viện và cơ sở y tế trên cả nước đã tổ chức nâng cao năng lực cho đội ngũ y bác sĩ trong vấn đề xử trí sốc phản vệ để giúp hạn chế tai biến, giảm tỉ lệ tử vong dưới nhiều hình thức tổ chức tập huấn, hội thảo hoặc cử cán bộ đi học, v.v…

Nhiều chương trình, khóa học về xử trí sốc phản vệ cũng đã được các cơ sở giáo dục xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học tiếp thu kiến thức và nắm vững kỹ năng cơ bản để điều trị đúng cách.

Việt Nga

 

 

Các tin cùng chủ đề