Trong cuộc sống của chúng ta, không ai là không từng trải qua những sự cố, tai biến gây nên những tổn thương đau đớn trên cơ thể ở cấp độ nặng hay nhẹ. Trong lúc đó, nếu bản thân mỗi người không tự trang bị cho những kiến thức cơ bản nhất về sơ cấp cứu để giảm thiểu tác động của bệnh, vết thương trước khi được đưa đi cấp cứu thì có thể gây nên hậu quả nghiêm trọng hoặc để lại rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
Về cơ bản, sơ cấp cứu là một loại hình chăm sóc khẩn cấp được thực hiện ngay cho nạn nhân gặp tai nạn trước khi các nhân viên y tế đến nơi hoặc được đưa đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất. Hiện nay, sơ cấp cứu được coi là một kỹ năng sống cần thiết trong mọi hoạt động của cuộc sống. Đối với gia đình là cách thức chăm sóc trẻ nhỏ, người già (đột quỵ, đau tim…); đối với trường học là phòng tai nạn trong học tập, thể dục thể thao, dã ngoại đối với học sinh, sinh viên; sơ cấp cứu cho người lao động; sơ cấp cứu trong lĩnh vực thể thao hay sơ cấp cứu là để bảo vệ cho chính sức khỏe của bạn. Càng làm việc trong các môi trường có nguy cơ cao cần phải có kiến thức sơ cấp cứu.
Những thao tác sơ cấp cứu cơ bản và được nhiều người biết đến bao gồm việc sử dụng và áp dụng các biện pháp đơn giản nhưng nhanh chóng như cách cầm máu, băng bó vết thương tạm thời, di tản đám đông xung quanh nạn nhân hoặc dội nước rửa các vết bỏng hoá học trên mắt và da, xử trí khi người bị điện giật…. Mặc dù không thể dự đoán trước được sự xuất hiện của bất kỳ sự cố nào trong số những rủi ro này, nhưng sẽ luôn luôn tốt hơn để chuẩn bị cho bản thân và lường trước được những gì có thể xảy ra. Có kiến thức về sơ cấp cứu mang lại sự khác biệt rõ ràng giữa sự sống và cái chết và những lợi ích của việc học nó là vô hạn.
Theo khảo sát do Viện Nghiên cứu Y Dược học Thăng Long phối hợp với Khoa Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện năm 2014 cho biết: trong số đối tượng tham gia khảo sát tại trường đại học có 61,67% đã từng tham gia sơ cứu và tỷ lệ nam sinh tham gia sơ cứu nhiều hơn nữ sinh. Trong đó, trường hợp sơ cứu bỏng chiếm tỷ lệ cao nhất (23,39%), tỷ lệ thấp nhất đối với sơ cứu ngừng tim phổi (2,88%) và sơ cứu gãy xương (2,42%). Tuy nhiên, đối tượng khảo sát này lại không được tham gia vào các khóa đào tạo sơ cấp cứu chính thống mà chủ yếu được tiếp cận một số kiến thức này khi đang ngồi trên ghế nhà trường như tham gia vào các hoạt động ngoại khóa, hoặc tham gia học nghĩa vụ quân sự từ cấp 2,…
Theo một khảo sát khác, có tới 450 sinh viên (83,49%) có nhu cầu được đào tạo về sơ cấp cứu ban đầu. Nội dung mà các sinh viên có nhu cầu đào tạo cao nhất là sơ cứu ngừng tim phổi (25,87%), sơ cứu ngất (19,56%), sơ cứu gãy xương (18,56%)và tương đương tỷ lệ này ở nam và nữ. Tập huấn ngắn hạn là hình thức đào tạo được sinh viên lựa chọn nhiều nhất (59,47%). Như vậy, nhu cầu được đào tạo về sơ cấp cứu ban đầu của các sinh viên khá cao.
Mặc dù, tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ việc được đào tạo về sơ cấp cứu, nhưng mức độ phổ cập của việc học và tuyên truyền sơ cấp cứu trong đời sống còn chưa thực sự được lưu ý. Đối với đối tượng là cán bộ, viên chức tại các cơ quan, công ty, người lao động tự do, người già,… khả năng được tham gia vào các khóa học sơ cấp cứu do cơ quan, khu dân cư tổ chức hoặc tự mình bỏ kinh phí để tham dự một lớp học sơ cấp cứu là rất ít. Chủ yếu hiện nay nhiều người vẫn tiếp cận một cách chủ động hay bị động với các kiến thức sơ cấp cứu thông qua internet hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng.
Như vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mỗi người trong chúng ta không trang bị sẵn cho mình những kiến thức cần thiết về sơ cấp cứu trong khi ở các nước phát triển sơ cấp cứu được coi như kỹ năng sống cần thiết của mỗi người.
Việt Nga