Việc ứng dụng công nghệ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh, đặt nền móng cho sự phát triển y tế điện tử trong thời gian tới.
Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư đã và đang đến
Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là thuật ngữ rút gọn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industrial Revolution 4.0), được bắt nguồn từ một dự án chiến lược công nghệ cao của Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức về xúc tiến quá trình điện toán hóa nền sản xuất hàng hóa.
Công nghiệp 4.0 cho phép nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ có cái nhìn toàn diện về các công đoạn của quá trình vận hành và từ đó có trách nhiệm thông tin về bản chất đối tượng, về sự tăng giảm chất lượng, về kết quả đầu ra và về khách hàng… nhằm bảo đảm các cơ hội cải tiến, tiết kiệm nguồn lực tài chính, cải thiện sự hài lòng của khách hàng và cải thiện quan hệ với nhà cung cấp.
Một định nghĩa ngắn gọn hơn về Công nghiệp 4.0 là quá trình chuyển đổi mạnh mẽ bởi công nghệ thông tin của nền sản xuất trong môi trường kết nối dữ liệu, con người, quy trình/quá trình, dịch vụ, hệ thống và cơ sở sản xuất với việc tạo ra các hệ sinh thái mới, trên cơ sở công nghệ số là đòn bẩy và sử dụng các thông tin như là phương tiện để thực hiện nhà máy thông minh mà ở đây là Bệnh viện thông minh.
Theo các nhà phân tích, nền công nghiệp, dịch vụ sẽ hưởng lợi rất nhiều cuộc CMCN này, và do đó cũng tác động đáng kể đến ngành Y Tế trong đó đặc biệt có việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe con người.
Chăm sóc sức khỏe trong thời đại số hóa
Việt Nam có hơn 90 triệu người dân, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngày càng cao, số ca mắc ung thư và các loại bệnh đang không ngừng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chẩn đoán và điều trị là nhu cầu cấp thiết, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám chữa bệnh, khắc phục các rủi ro, sự cố y khoa, giảm quá tải bệnh viện, góp phần làm hài lòng bệnh nhân.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang đến phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa – vật lý – sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo (Ai) làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới.Với ngành Y tế, cuộc cách mạng công nghiệp này đang gõ cửa, mang lại nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tại các bệnh viện và cơ sở y tế ngày nay cơ bản đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc vận hành dữ liệu y tế cho hoạt động khám chữa bệnh, theo dõi hồ sơ, tình trạng, tiền sử bệnh của bệnh nhân, lắp đặt và sử dụng các hệ thống điện tử trong việc lập và theo dõi phác đồ điều trị có thể giúp hỗ trợ giải quyết thực trạng đang còn tồn động; giúp cho bệnh nhân được điều trị nhanh chóng, nhất quán ngay tại địa phương cũng như giảm tải rất nhiều cho đội ngũ y bác sỹ trong công tác khám chữa bệnh.
Tại Việt Nam hiện nay tỷ lệ bao phủ hệ thống thông tin bệnh viện là 73%, trong đó bệnh viện trung ương chiếm trên 90%, tuyến tỉnh chiếm 75%, tuyến huyện 70%, tư nhân chiếm 71%. Y tế từ xa (Telemedicine) được ứng dụng tại bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Bệnh viện tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ cho việc tư vấn, hội chẩn và đào tạo.
Để ứng dụng thành công CNTT trong khám chữa bệnh trước hết đòi hỏi các bệnh viện cần đầu tư đầy đủ các phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR, HER… tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế để hướng tới mục tiêu bệnh viện không giấy tờ. Sau đó phát triển mạnh mẽ những hệ thống ứng dụng chuyên sâu, ứng dụng hỗ trợ ra được quyết định lâm sàng. Các hệ thống phải liên thông được với nhau, vận hành thống nhất trong hệ sinh thái và dữ liệu lớn y tế, hướng tới xây dựng bệnh viện thông minh trong tương lai không xa.
Việt Nga (Tổng hợp)