Chỉ số hài lòng người bệnh tăng cao tại bệnh viện công lập

Đánh giá chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện công lập ở Việt Nam từ góc nhìn  của người bệnh  giúp ngành Y tế phân tích, đánh giá và thúc đẩy nâng cao một cách hiệu quả công tác khám, chữa bệnh.

Vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với Sáng kiến Việt Nam, Oxfam Việt Nam tổ chức Hội thảo công bố báo cáo Chỉ số hài lòng của người bệnh Việt Nam (PSI). Chương trình được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140.000 bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện thuộc 21 tỉnh, thành trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm.

Kết quả khảo cho thấy, chỉ số hài lòng người bệnh trung bình đạt 3,98/5, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh nội trú với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh đạt gần 80% so với kỳ vọng.

Trong số 29 bệnh viện khảo sát thì có 5 bệnh viện được phản hồi tốt nhất từ người bệnh, đó là các bệnh viện: BV Bà Rịa (tỉnh bà Rịa Vũng Tàu), Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), BV Tai Mũi Họng (TPHCM), BV Phụ Sản (TP Cần Thơ), BV Lao và bệnh Phổi (tỉnh Thái Bình), thuộc nhóm xếp hạng Rất tốt, 16 bệnh viện được xếp hạng tốt và 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng Khá, 2 BV thuộc nhóm xếp hạng trung bình. Nhóm bệnh viện được xếp hạng cao nhất và thấp nhất theo phản hồi của người bệnh đều là các bệnh viện thuộc tuyến tỉnh.

Báo cáo Chỉ số hài lòng người bệnh cũng chỉ ra một số yếu tố như: khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh được người bệnh hài lòng nhất (4,15/5), Cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,74/5), chí cấp phát và hướng dẫn sử dụng thuốc (4,25/5).

Tiêu chí Nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng người bệnh thấp nhất (3,58), tiếp theo là tiêu chí Chi phí khám, chữa bệnh (3,99) và Chất lượng giường, chăn, ga, gối, đệm (3,9).

Các tiêu chí này được đánh giá, xây dựng dựa trên 3 mục tiêu: Thứ nhất, xây dựng bộ công cụ cho phép các bệnh viện, cơ quan quản lý đánh giá thực chất, tin cậy, có ý nghĩa, thường xuyên với chi phí hợp lý về sự hài lòng của người bệnh đối với chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện.

Thứ hai, khảo sát được thiết kế để cho phép thu nhập dữ liệu có khả năng so sánh được một cách khách quan về quan điểm của người bệnh về các trải nghiệm phục vụ trong quá trình khám, chữa bệnh tại các khoa trong cùng một bệnh viện hay giữa các bệnh viện khác nhau. Tập khám, chữa bệnh tại các khoa trong cùng một bệnh viện hay giữa các bệnh viện khác nhau, tập trung vào những nội dung người bệnh có thể cảm nhận và quan tâm nhất trong quá trình đi khám, chữa bệnh, từ đó thúc đẩy các phản hồi, giải đáp, sáng kiến cải tiến của các bệnh viện

Thứ ba, kết quả khảo sát Chỉ số PSI và kết quả phân nhóm, xếp hạng các bệnh viện được công bố công khai để tạo động lực cho các bệnh viện công quan tâm và có các sáng kiến cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh dựa trên phản hồi của người dân sử dụng dịch vụ.

Bộ Y tế cho biết, lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế vẫn là một cách tiếp cận mới mẻ với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay ở các nước phát triển, khảo sát hài lòng người bệnh mang tính bắt buộc và được tiêu chuẩn hóa, áp dụng đồng bộ tại các bệnh viện công trong toàn quốc cũng chỉ mới bắt đầu từ thập kỷ 1990.

Song việc công khai sẽ giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của các bệnh viện công thông qua tăng cường minh bạch về chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện, tăng cường công tác giám sát của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ y tế công, đặc biệt từ khi Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, gia tăng quyền tự chủ cho các bệnh viện, tăng giá các dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến “tính đúng, tính đủ” theo giá thị trường vào năm 2020.

Bên cạnh đó, việc lắng nghe phản hồi của người sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế là cách tiếp cận phù hợp với xu thế thời đại và chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, phục vụ, liêm chính ở Việt Nam.

Việt Nga (Tổng hợp)

Các tin cùng chủ đề