Hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam

Việt Nam đã có những thành công lớn trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét trong thập kỷ vừa qua. Loại trừ sốt rét vào năm 2030 là một mục tiêu mà Việt Nam có thể đạt được.

Đó là phát biểu của Ông S.Kidong Park, trưởng Đại diện của WHO Việt Nam tại Hội thảo tăng cường đầu tư giữ vững thành quả, hướng tới loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam nhân ngày Thế giới phòng chống Sốt rét do Bộ Y tế (Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) phối hợp với Tổ chức Y tế thể giới tổ chức.

Sốt rét là một bệnh do ký sinh trùng sốt rét gây nên, bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành. Biểu hiện của bệnh sốt rét có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như là: loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của ký chủ, cơ địa ký chủ (thai nghén, suy dinh dưỡng…)

 

Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế, với sự nỗ lực của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở nước ta đã đạt được các kết quả đáng kể đó là tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét liên tục giảm hàng năm. Theo thống kê mới nhất so với năm 2011, tỷ lệ mắc sốt rét trên 1.000 dân năm 2011 giảm 84,6%, số bệnh nhân sốt rét giảm 81,6%, số ký sinh trùng sốt rét giảm 72,6%, số trường hợp tử vong do sốt rét giảm 57,1%. Không có dịch sốt rét xảy ra.

 

Mỗi năm có hàng triệu người dân sống trong vùng sốt rét lưu hành được bảo vệ bằng biện pháp phòng chống muỗi sốt rét (phun tồn lưu và tấm màn bằng hóa chất diệt muỗi) và hàng chục nghìn bệnh nhân được cấp thuốc điều trị sốt rét miễn phí. Tuy nhiên, tình hình sốt rét tại một số tỉnh thuộc khu vực Miền Trung Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ diễn biến phức tạp, một số tỉnh có nhiều người mang ký sinh trùng sốt rét như: Bình Phước, Gia Lai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị. Bệnh sốt rét có nguy cơ quay trở lại, gia tăng số mắc, số tử vong và có thể gây thành dịch.

Tuy nhiên, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét hiện nay đang gặp một số khó khăn thách thức về mặt kỹ thuật và đầu tư kinh phí. Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế có nguy cơ cắt giảm sẽ gây khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phòng chống sốt rét dẫn đến có thể làm gia tăng cao số mắc và tử vong do sốt rét, nguy cơ bùng phát dịch sốt rét ở nhiều địa phương và sốt rét kháng thuốc lan rộng, bệnh sốt rét sẽ có những diễn biến phức tạp và khó dự báo, đặc biệt tại các vùng sốt rét lưu hành.

Để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 tiến tới loại trừ Sốt rét ở Việt Nam, Chương trình phòng chống sốt rét sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

1.Tiếp tục triển khai các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe để các cấp Chính quyền, đoàn thế địa phương và cộng đồng chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tại địa phương;

2.Đảm bảo thực hiện thường xuyên công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, quản lý ca bệnh, quản lý đối tượng dân đi biển động, đặc biệt đối với người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, người trở về từ các nước có sốt rét lưu hành;

3.Thực hiện điều trị bệnh nhân sốt rét đúng thuốc, đủ liều theo quy định của Bộ Y tể;

4.Tăng cường phối hợp đa ngành trong công tác phòng chống sốt rét (Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Giao thông, Lâm nghiệp, Thuỷ điện…), đặc biệt ở các địa phương có sốt rét lưu hành và sốt rét lưu hành nặng.

5.Các địa phương, Bộ/ngành cẩn nỗ lực vận động và chủ động đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Hội thảo, Phía Việt Nam đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy lùi sốt rét, loại trừ sốt rét P.falciparum vào năm 2025 và loại trừ hoàn toàn sốt rét vào năm 2030.

Việt Nga (Tổng hợp)

Các tin cùng chủ đề