Kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong bệnh viện

 Kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò rất quan trọng trong khám, chữa bệnh. Khi để xảy ra nhiễm khuẩn mắc phải do chăm sóc y tế sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí tử vong với người bệnh, làm giảm uy tín, lòng tin của người dân với cơ sở y tế.

Kiểm soát và phòng ngừa nhiễm khuẩn tại các bệnh viện trong nước

Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) hay còn gọi là nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế là một trong những thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới.

Theo WHO có 4 dạng nhiễm khuẩn bệnh viện chính, đều liên quan đến thủ thuật xâm lấn hoặc phẫu thuật là nhiễm trùng đường tiết niệu do đặt ống thông (catheter-associated urinary tract infection); viêm phổi liên quan đến thở máy (ventilator-associated pneumonia); nhiễm trùng vết mổ (surgical site infection); nhiễm trùng máu liên quan đến ống thông (catheter related bloodstream infection). Đường lây nhiễm chính là lây qua tiếp xúc bao gồm lây nhiễm trực tiếp và lây nhiễm gián tiếp (direct transmission and indirect transmission); nhiễm trùng qua các giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi (droplet transmission); nhiễm trùng lây truyền qua không khí (airborne transmission); nguồn lây nhiễm thông thường (common vehicle transmission); lây truyền qua vector (vector borne transmission);

NKBV đã và đang là gánh nặng cho người bệnh, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) trên toàn cầu, đặc biệt ở các nước chậm phát triển và đang phát triển do làm tăng tỷ lệ mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và tăng chi phí điều trị.

Ảnh: internet

Tỷ lệ NKBV ở các nước phát triển khác nhau dao động trong khoảng 3,5% – 12%.

Những năm qua, hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) được triển khai thực hiện với chất lượng ngày càng cao tại hầu hết các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Ngành y tế từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch…

Tại Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện công tác KSNK vẫn còn nhiều thách thức đó là thực trạng, một số người đứng đầu cơ sở KCB chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK, do vậy việc cam kết đầu tư và định hướng cho hoạt động KSNK chưa phù hợp và hiệu quả.

Một thực tế nữa là hiện nay nhân lực KSNK còn thiếu và yếu. Đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát NKBV chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách. Nguồn lực cho KSNK còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chi phí cho KSNK chưa được chi đúng, chi đủ.

Phương hướng khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác nhiễm khuẩn

Thời gian qua Ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách.  Để khắc phục những hạn chế, khó khăn và định hướng phát triển công tác nhiễm khuẩn, tại Hội nghị “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong bệnh viện” được tổ chức vào ngày 27/3 vừa qua, GS. TS. Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị phải triển khai thực hiện nghiêm túc: Thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành; Trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, điều kiện cho phòng ngừa cách ly, thực hành vô khuẩn, vệ sinh tay, vệ sinh môi trường, khử khuẩn tiệt khuẩn và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn theo cơ cấu giá viện phí dành cho kiểm soát nhiễm khuẩn;

Ảnh: internet

Bố trí đầy đủ nhân lực có năng lực chuyên môn, đã được đào tạo và có chứng chỉ về kiểm soát nhiễm khuẩn làm chuyên trách, bảo đảm nhân viên y tế trực tiếp điều trị và chăm sóc người bệnh phải được đào tạo về nhiễm khuẩn bệnh viện; Tăng cường giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cách ly theo đúng hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn đã ban hành nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đến mức thấp nhất;

Áp dụng các biện pháp truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, tăng cường sự tham gia phối hợp của người bệnh, người nhà bệnh nhân nhằm nâng cao chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị; Định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đúng quy định, thực hiện cải tiến chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn góp phần bảo đảm cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh an toàn và chất lượng.

Một chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn hoàn chỉnh gồm 8 cấu phần: Kế hoạch hành động kiểm soát nhiễm khuẩn bao gồm việc xác định mục tiêu rõ ràng, ủng hộ, cam kết của lãnh đạo, hoàn thiện hệ thống tổ chức nhân lực kiểm soát nhiễm khuẩn và vi sinh; Hướng dẫn chuyên môn kiểm soát nhiễm khuẩn phù hợp áp dụng tại đơn vị; Giáo dục đào tạo; Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; Chiến lược đa phương thức; Giám sát, đánh giá việc tuân thủ, đổi mới của tổ chức và cá nhân; Xác định khối lượng công việc, nhân sự và sô giường bệnh được sử dụng; Thiết lập môi trường bệnh viện an toàn. Hiện tại Chương trình kiểm soát nhiễm khuẩn đã được thiết lập hiệu quả tại rất nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực.

Tại  Hội nghị “Tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh trong bệnh viện”các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm, cập nhật kiến thức, tìm hiểu những tiến bộ mới trong thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh. Đồng thời hơn 200 đơn vị đã ký cam kết triển khai thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng ngừa lây nhiễm bệnh trong bệnh viện./.

Việt Nga

Các tin cùng chủ đề