Tại Việt Nam, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho đã bị chết não. Vừa qua, Bộ Y Tế, Bộ Quốc Phòng và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá hoạt động này.
Từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai nhiệm vụ độc lập cấp quốc gia: “Nghiên cứu triển khai ghép phổi lấy từ người cho chết não” do GS. TS Mai Hồng Bàng – Trung tướng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 làm chủ nhiệm. Năm 2016, bệnh viện được Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao thực hiện Đề án khoa học công nghệ tăng cường năng lực nghiên cứu để phát triển kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người.
Sức khỏe của bệnh nhân Trần Ngọc Hanh sau 1 tháng ghép tạng có tiến triển tốt (Ảnh: moh)
Tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người: Ghép tế bào gốc, ghép tủy, ghép giác mạc, ghép thận thường quy, ghép gan ở người cho sống, lấy đa tạng từ người cho chết não.
Đặc biệt ngày, 26/02/2018 Bệnh viện đã triển khai thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam và đồng thời là trường hợp lấy – ghép đa tạng, điều phối vận chuyển và ghép đa tạng xuyên Việt lịch sử cho 6 bệnh nhân tại 3 Bệnh viện ở 2 miền Nam – Bắc.
Theo đó, bệnh nhân được ghép phổi là ông Trần Ngọc Hanh (54 tuổi, ở Nam Định), còn người cho phổi là một bệnh nhân nam 45 tuổi bị chết não. Bệnh nhân Hanh bị tắc nghẽn mãn tính giai đoạn cuối. Bệnh nhân bị suy hô hấp thường xuyên phải cấp cứu tại bệnh viện, có những đợt phải thở máy, oxy liên tục. Tình trạng chung của bệnh nhân ngày càng suy sụp, đe dọa tử vong bất cứ lúc nào.
Cơ hội duy nhất để bệnh nhân tiếp tục sống là được ghép phổi. Vì thế, ngay khi có nguồn phổi hiến từ người cho chết não, các chỉ số hòa hợp, các bác sĩ đã quyết định ghép phổi để cứu người bệnh.
Các kíp kỹ thuật Bệnh viện đã triển khai đồng thời 4 phòng mổ lấy – ghép phổi và các tạng khác. Sau gần 8 giờ, dưới dự hỗ trợ của 2 chuyên gia đến từ Cộng hòa Pháp (một phẫu thuật viên, một bác sĩ gây mê), một chuyên gia ghép tạng đến từ Bỉ và hơn 60 bác sĩ, phẫu thuật viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng của Bệnh viện đã tham gia quá trình phẫu thuật này. Sau ghép, bệnh nhân hồi phục tốt, rút nội khí quản sau 20 giờ, chức năng hô hấp sau ghép tốt. Hiện tại sau một tháng, bệnh nhân tỉnh táo, tự vận động, xét nghiệm và khí máu ổn định, chức năng phổi ghép ổn định.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, để thực hiện ca ghép phổi đầu tiên từ người cho chết não, bệnh viện đã thực hiện ghép phổi thực nghiệm trên động vật (15 cặp động vật) với tỉ lệ thành công cao, các tạng hoạt động tốt. Bệnh viện cũng đã cử hơn 30 BS, phẫu thuật viên, điều dưỡng học tập tại các bệnh viện và trung tâm hàng đầu thế giới về ghép tạng. 20 kíp kỹ thuật được cử học tập, đào tạo tại các bệnh viện có kinh nghiệm ghép tạng như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Có thể nói, Ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam trên bản đồ ghép tạng thế giới. Sự kiện này đã khẳng định về trình độ chuyên môn cao, sự nỗ lực của các thầy thuốc, vai trò quan trọng của sự hợp tác trong nước và quốc tế của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Việt Nga