PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, nắng nóng làm gia tăng 20% số ca đột quỵ. Bên cạnh đó, tình trạng sốc nhiệt, ngất xỉu cũng có nguy cơ gia tăng với những người làm việc, đi lâu ngoài đường khi nắng nóng.
Hàng chục bệnh nhân đột quỵ một ngày vì nắng nóng
PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, thời tiết nắng nóng như hiện nay tác động đến sức khoẻ rất nhiều, làm gia tăng các ca đột quỵ, sốc nhiệt.
Mùa nắng nóng năm nào khoa Cấp cứu BV Bạch Mai cũng tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân đột ngột ngất xỉu, ngã khi đang đi đường nắng nóng. Số ca cấp cứu đột quỵ cũng gia tăng khoảng 20%.
“Tuy nhiên cần nói rõ, không phải nắng nóng gây nên đột quỵ, mà do nắng nóng, những người có yếu tố nguy cơ kiểm soát không tốt khiến đột quỵ gia tăng”, PGS Chi cho biết.
Theo đó, những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh máu; những người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì, thừa cân… khi gặp nắng nóng khó chịu, khó ăn khó ngủ, quên uống thuốc, mệt mỏi không vận động, không kiểm soát tốt dễ xảy ra đột quỵ.
Do đó, trong ngày nắng nóng, thời tiết bất thường, nguy cơ đột quỵ nói riêng, bệnh lý mãn tính khác có xu hướng tăng lên do yếu tố thuận lợi của thời tiết.
PGS Chi cho biết, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân đột quỵ nhập viện tăng lên, có ngày vài chục bệnh nhân nhập viện.
Để phòng đột quỵ, những nguời có yếu tố nguy cơ cần phải kiểm soát tốt, duy trì thuốc, ăn uống, sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Khi có dấu hiệu đột quỵ cần đến viện sớm, trong thời gian vàng để điều trị hiệu quả.
Sốc nhiệt, ngất xỉu khi đang đi trên đường
PGS Chi cho biết, năm nào khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cũng tiếp nhận những trường hợp đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc được người dân đưa vào cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Văn Chi khuyến cáo, việc uống đủ nước, chống nắng tốt sẽ phòng nguy cơ sốc nhiệt.
Những trường hợp này thường do làm việc kéo dài trong môi trường nắng nóng, đi dưới trời nắng lâu khiến cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, rối loạn chuyển hoá nhiệt do tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài khiến cơ thể bị tăng thân nhiệt.
“Nắng gay gắt nhất từ 12 – 16 giờ hàng ngày, thời điểm này đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Vì thế, chúng tôi khuyến cáo người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời từ 11-15h. Tuỳ theo tính chất, đặc thù công việc mỗi người cần chống nắng khác nhau, có mũ rộng vành, áo dài tay, kính mắt để che chắn, giảm tác động của nhiệt.
Đặc biệt cần phải uống đủ nước. Bởi nước mất đi rất nhiều qua mồ hôi, nếu không uống đủ nước cũng khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên, dễ gây sốc nhiệt. Thời tiết nóng như hiện nay cần uống 2 – 3 lít nước mỗi ngày”, PGS Chi khuyến cáo.
Xử lý khi sốc nhiệt
Ngay khi phát hiện người có dấu hiệu say nóng, say nắng với những biểu hiện choáng váng, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt…cần đưa người bệnh đến ngay chỗ thoáng mát (có điều hòa là tốt nhất), sau đó cởi bớt quần áo, uống nước có pha muối (hoặc nước chanh, nước bột sắn dây…) và chườm mát cho người bệnh ở những vị trí như: cổ, nách, bẹn, lưng…
Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm nhanh được nhiệt độ cơ thể. Tiếp tục theo dõi, nếu thấy bệnh nhân đỡ thì có thể ăn uống để bổ sung dinh dưỡng, phục hồi sức khỏe.
Nếu thấy người bệnh có tình trạng nặng như: buồn nôn, nôn, sốt cao hoặc hôn mê, cần gọi điện cho xe cấp cứu hoặc chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Trong quá trình di chuyển, nếu người bệnh có nôn, cần đặt người bệnh nằm nghiêng, đầu thấp để đề phòng sặc.
Theo: https://dantri.com.vn