Ngày Sức khỏe thế giới 2018 có chủ đề “Bảo hiểm y tế toàn dân”

Ý nghĩa của chủ đề ngày Sức khỏe thế giới năm nay là đảm bảo cho mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu mà không phải chịu thêm gánh nặng về tài chính.

Năm 1948, Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức hội nghị sức khỏe thế giới đầu tiên và hội nghị này đã lựa chọn ngày 07/4 hàng năm là ngày sức khỏe thế giới, bắt đầu từ năm 1950. Mục tiêu của ngày sức khỏe thế giới là làm cho cộng đồng nhận thức về một chủ đề sức khỏe cụ thể mà Tổ chức Y tế Thế giới ưu tiên đưa ra cho năm đó. Các hoạt động và chi phí vẫn kéo dài sau ngày sức khỏe thế giới hàng năm, tức là có một ngày để làm cho 365 ngày với mục tiêu cụ thể.


Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề “Bảo hiểm y tế toàn dân toàn dân” nhằm chuyển tải thông điệp, đồng thời là mục tiêu mà tất cả các quốc gia đều hướng đến.

Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là đảm bảo cho mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ở bất cứ đâu, bất kỳ lúc nào mà không bị cản trở bởi khó khăn về tài chính. Không ai bị buộc phải lựa chọn giữa một sức khỏe tốt và các nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống.

Chăm sóc y tế là nhu cầu thiết yếu nhưng không phải ai cũng có thể tiếp cận. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có ít nhất một nửa dân số thế giới hiện nay không thể tiếp cận các dịch vụ y tế cần thiết. Hơn 100 triệu người đang bị đẩy vào hoàn cảnh nghèo đói, sống dưới mức 1,9 USD/ngày vì họ phải chi trả các chi phí y tế.

Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng không có mô hình bảo hiểm y tế toàn dân nào có thể phù hợp với mọi quốc gia. Mỗi nước sẽ có một cách tiếp cận riêng để đảm bảo dịch vụ y tế có thể đến với mọi người dân mà không tạo cho họ gánh nặng về tài chính. Điều này đòi hỏi các nước phải thiết kế lại hệ thống y tế theo hướng gần dân và phục vụ người dân.

Năm 2012, Liên Hợp quốc đã thông qua một nghị quyết nhấn mạnh rằng y tế là một nhân tố quan trọng trong các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo hiểm y tế toàn dân là mục tiêu tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi. Một số quốc gia đã đạt được những tiến bộ đáng kể như Trung Quốc, Mexico, Ruwanda, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, trong những năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Hệ thống chính sách BHYT ở nước ta đã không ngừng được hoàn thiện; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã tăng từ 5,6% lên 85,6% dân số (tính đến cuối năm 2017). Mỗi năm, hàng trăm triệu lượt người đã được bảo đảm quyền lợi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo chế độ BHYT (năm 2017, quỹ BHYT đã thanh toán khoảng 84.500 tỷ đồng cho 165 triệu lượt người). Sự bảo đảm tài chính từ quỹ  BHYT đã giúp giảm chi trực tiếp từ tiền túi của người dân cho việc sử dụng các dịch vụ y tế; đồng thời giảm dần “gánh nặng” cho ngân sách…

Tại Việt Nam, Bảo hiểm y tế là giải pháp cơ bản và quyết định để đạt mục tiêu bao phủ Chăm sóc sức khỏe toàn dân. Các quốc gia khi có thu nhập bình quân đầu người từ 1.000 USD/người/năm là có thể thực hiện chính sách BHYT để tiến tới BHYT toàn dân. Với nhiều chính sách xã hội ưu việt và nhân văn, thu nhập bình quân đã đạt hơn 2.600 USD/người/năm 2017, với hệ thống mạng lưới y tế cơ sở phủ khắp cả nước và hơn 25 năm kinh nghiệm thực hiện BHYT, chắc chắn chúng ta sẽ đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Việt Nam sẽ tiếp tục được đánh giá là quốc gia có chỉ số sức khỏe ở mức ngang bằng với các quốc gia có mức thu nhập cao gấp nhiều lần.

Việt Nga (Tổng hợp)

Các tin cùng chủ đề