Đó là thống kê mới nhất được công bố trong hội thảo Hội thảo về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức y tế thế giới tổ chức ngày 13/4 vừa qua
Việc tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam hiện nay rất đáng báo động. Theo thống kê Việt Nam là nước đứng thứ 2/10 nước trong khu vực các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 ở Châu Á, và là nước đứng thứ 29 trên toàn thế giới về việc tiêu thụ rượu bia. Cùng với đó mức tiêu thụ đồ uống có cồn trong vòng 5 năm đã tăng từ 3,8 lít cồn/người/năm trong giai đoạn 2003 – 2005 lên tới 6,6 lít cồn/người/năm giai đoạn 2008 -2010; đối với nam giới trên 15 tuổi 1 năm tiêu thụ tới 27,4 lít cồn…Tỉ lệ người dân sử dụng rượu bia tăng trong thời gian qua, năm 2015 tỷ lệ người dân sử dụng rượu bia là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng gần 10% sau 5 năm…
Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật, chấn thương. Đặc biệt, chất cồn trong rượu, bia được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư, có thể gây ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại – trực tràng, gan và ở nữ còn thêm ung thư vú. Bên cạnh đó uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia…. Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe, hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Theo đó Dự thảo Luật phòng chống tác hại rượu bia gồm 6 chương 22 điều. Trong đó đưa ra nhiều quy định, như nội dung nghiêm cấm khuyến mại, rượu bia trực tiếp cho người tiêu dùng; dùng rượu, bia là giải thưởng cho các cuộc thi; cung cấp rượu, bia miễn phí; hạn chế hình ảnh uống rượu, bia trong các sản phẩm điện ảnh, truyền hình.
Bên cạnh đó là quản lý chặt chẽ về khâu sản xuất, kinh doanh rượu thủ công cũng như bảo đảm chất lượng an toàn đối với rượu bia, phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, rượu, bia giả, không bảo đảm an toàn gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng …
Ngoài ra, trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia lần này đã đưa ra 3 phương án cụ thể về quy định thời gian được bán và không bán rượu bia cũng các phương án quy định về nồng độ cồn với người điều khiển mô tô, xe máy giảm xuống.
Luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ kiểm soát chặt chẽ nhu cầu sử dụng rượu, bia, đưa ra các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại; bảo đảm nguồn lực cho phòng chống tác hại rượu, bia để nâng cao sức khỏe cộng đồng. Dự thảo này đã được họp lấy ý kiến rất nhiều lần và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10/2018.